
Tên tuổi vang cùng tiếng trống…
Chúng tôi đến làng trống Bình An vào đúng thời điểm nơi đây đang rất nhộn nhịp bởi những chuyến xe ba gác ngược về TP Hồ Chí Minh chở đủ loại trống lớn nhỏ, trong đó chủ yếu trống lân, trống cái lớn phục vụ trung thu. Đây cũng là lúc tiếng đục đẽo, tiếng máy bào, máy mài, tiếng thử trống “cắc tùng” vang lên trong những con hẻm nhỏ của làng nghề.
Quần tụ nơi làng trống Bình An là các hộ làm nghề kiểu cha truyền con nối, các cơ sở nghề có sự kế thừa của nhiều thế hệ làm nên thương hiệu nghề trống của địa phương. Tại đây, có rất nhiều dòng họ đã cùng nhau giữ lửa cho nghề, nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là dòng họ Nguyễn Văn (ấp Bình An, xã Bình Lãng) với kỹ thuật bịt trống mang đậm dấu ấn gia truyền được gìn giữ qua 06 đời miệt mài tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng có…
Người cao tuổi nhất làm nghề trống của dòng họ Nguyễn Văn là ông Nguyễn Văn Mến (sinh năm 1948). Năm nay 72 tuổi, ông Mến đã có hơn 56 năm theo đuổi nghề làm trống. Từ năm 16 tuổi, ông đã theo cha là ông Nguyễn Văn Tình (1923 – 1987) để học nghề. Với năng khiếu sẵn có, đến năm 18 tuổi thì ông Mến đã thành thục các kỹ thuật làm trống. Sau khi cha mất, ông thành lập cơ sở bịt trống Năm Mến và tiếp nối nghề của cha, hoạt động cho đến nay. Theo ông Tám Đặng – một nghệ nhân nổi tiếng làng trống Bình An, thì thế hệ ông Mến cũng là tinh hoa của làng nghề này. Khi nhắc đến ông Mến, là nhắc đến người nổi tiếng chế tạo nên những chiếc trống đại, vốn chỉ những người có kỹ thuật rất cao mới có thể làm nổi. Có thể kể đến những chiếc trống đại mà ông Mến và thợ trong cơ sở của mình làm ra như trống phục vụ chương trình Một thoáng Việt Nam tại Củ Chi có đường kính 1,5m, dài 2,7m. Cơ sở của ông Mến cũng là nơi thực hiện chiếc trống lớn nhất mà làng nghề Bình An từng làm: đường kính hơn 1,7m, chiều dài gần 3m với thời gian thực hiện gần 3 tháng.
Làm trống lớn khó bởi vì người nghệ nhân phải tìm được mảnh da trâu nguyên vẹn không tì vết rộng khoảng 2m – rất hiếm có. Đối với loại trống nhỏ cỡ 1,2m thì người thợ sẽ sử dụng gỗ nguyên khối rồi bào rỗng ruột để làm tang trống, nhưng tang trống có chu vi lớn thì phải ghép bằng những thanh gỗ lớn được bào mỏng và uốn cong bằng lửa (gọi là dăm). Công đoạn này người nghệ nhân phải làm chủ được nhiệt để khi ghép lại các thanh dằm phải đều, khít, không cong vênh.
Làm trống cần đến khoảng 50 loại dụng cụ khác nhau, với hơn 20 công đoạn lớn nhỏ. Trong đó, công đoạn quan trọng nhất vẫn là làm thùng và bịt da trống. Lớp da được căng đều, dày, mỏng sẽ cho tiếng thống rất khác nhau, chỉ những người thợ lành nghề lâu năm mới thẩm âm chính xác được. Đặc sắc của nghề làm trống dòng họ Nguyễn Văn chính là kỹ thuật bịt trống. Ông Mến được phong tặng nghệ nhân chính là nhờ kỹ thuật này. Ngoài ra, trong nghề làm trống, độc đáo nhất chính là phương pháp tạo hoa văn mặt trống bằng kỹ thuật mài dao trên da trâu sau khi da đã được căng chặt bằng đinh tán. Mỗi loại trống có mỗi cách tạo hoa văn khác nhau, làm bằng tay và theo cảm xúc, thẩm mỹ của người thợ nên giá trị nằm ở chỗ độc bản.
Tiếng trống vang qua nhiều thế hệ
Ông Mến bị bệnh tim, sức khỏe không tốt nên 5 – 6 năm nay ông không còn làm nghề nữa. Tuy nhiên, ông hoàn toàn yên tâm khi bàn giao lại cơ ngơi cho anh Nguyễn Văn An (44 tuổi) quản lý, bởi người con trai thứ 4 của ông đã nắm vững tất cả giá trị tinh hoa của nghề làm trống do ông truyền lại (con trai thứ 3 của ông là Nguyễn Văn Bình, 46 tuổi, cũng theo nghề nhưng chỉ chuyên thực hiện công đoạn làm vỏ trống).
Anh An theo cha và ông nội học nghề làm trống từ rất sớm, khoảng 7 – 8 tuổi. Khởi đầu từ việc phụ giúp thợ chính đục và bào dăm trống (tức thanh gỗ dài làm thân trống), lớn lên mới làm quen với việc niềng khuôn ghép thân trống, đóng môi dây mây (ghép các thanh gỗ – dăm lại thành hình khung trống và niềng lại bằng dây mây, căng da mặt trống)… đến nay anh là người thực hiện chính tất cả các công đoạn làm trống. Hiện nay, anh An cũng đã phát triển được thương hiệu làm trống cho riêng mình với các sản phẩm mang tên Tư An. Trống Tư An đã nhận được nhiều giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có chiếc trống lân màu xanh ngọc bích rất đẹp, vừa được Bộ Công thương công nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực của tỉnh Long An năm 2020 trong khu vực dự thi từ Bình Thuận đến Cà Mau.
Theo lời anh An kể thì gia đình anh bắt đầu làm nghề trống là từ ông sơ Nguyễn Văn Tuy, cũng là người góp phần gây dựng và truyền bá nghề làm trống ở làng này. Chuyện là khi ông Tuy đi bán nước mắm ở Rạch Gầm – Xoài Mút (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay) tình cờ thấy trong chợ có ông thợ đang làm trống nên lân la tìm hiểu. Về quê, ông thấy sau khi giết mổ trâu lấy thịt, người ta mang da trâu bỏ đi, rất lãng phí nên tìm cách đóng cọc, làm trống, sau đó thì lấy luôn việc làm trống làm nghề mưu sinh. Từ đời ông sơ Nguyễn Văn Tuy, nghề làm trống được truyền sang đời ông cố Nguyễn Văn Tịnh, đời ông nội Nguyễn Văn Tình, đời cha là Nguyễn Văn Mến, giờ đến đời anh An và sau anh có 2 đứa con trai cũng đang nối nghiệp cha. Như vậy dòng họ Nguyễn Văn đã có 6 đời theo nghề làm trống gia truyền ở làng Bình An.

Anh An bộc bạch: “Làm nghề trống không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có những giai đoạn giao thời rất khó khăn, có những thiệt hại lớn nhỏ không cân đong, đo đếm được. Ví dụ như lúc đi thu mua da trâu làm mặt trống về gặp mưa hư hết, mất cả chục triệu đồng. Khi mua thấy gỗ lóng tròn rất đẹp, nhưng khi mang về cưa ra thì trong ruột dính toàn mắt gỗ, không sử dụng được… Đó là chưa kể nguồn cung gỗ lớn đang ngày càng cạn kiệt, nguồn cung da trâu cũng ngày một ít đi. Để theo nghề, tôi phải chấp nhận làm trống nhỏ cung cấp cho chợ đầu mối để lấy ngắn nuôi dài, nhưng hàng bây giờ cũng không bán được như trước, do trẻ con cũng không còn ưa chơi trống da như thời xưa nữa”… Đó cũng là lý do khiến những hộ làm nghề nhỏ lẻ ngày càng rơi rụng dần, đến nay cả làng nghề Bình An chỉ còn khoảng hơn 20 hộ theo nghề. Trong đó, những cơ sở làm trống lớn như gia đình anh An còn khoảng 10 hộ. Không biết các hộ này và làng nghề trống Bình An còn duy trì được bao lâu nữa?
Một điều an ủi là ngoài việc 2 đứa con trai của anh An đã tình nguyện nối nghiệp và rất nhiệt tâm với nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Mến cũng đã trực tiếp truyền dạy nghề làm trống truyền thống cho 115 học viên trước khi chính thức “rửa tay gác kiếm”. Những người thợ này đã tiếp tục đưa nghề làm trống xã Bình Lãng đi khắp mọi miền đất nước. Ông Mến tự hào cho rằng đó cũng là một cách để nghề làm trống gia truyền của dòng tộc không bị mai một theo thời gian.
Nguồn : Nông Thôn Việt