Ngôi chùa thuộc xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An này có tên là Cổ Sơn, nhưng người dân địa phương vẫn gọi là Chùa Nổi, do chùa tọa lạc trên một gò đất nổi với nhiều câu chuyện tâm linh huyền bí. Trong buổi sáng nắng rực giữa tháng 10 mà chúng tôi đến viếng thăm chùa, chúng tôi biết thêm nơi đây còn lưu dấu các di sản đặc thù của đời sống cư dân vùng Đồng Tháp Mười xưa nay.
Chùa Cổ Sơn dưới bóng cây Di sản.
Chùa Cổ Sơn dưới bóng cây Di sản.

Ngôi chùa trên gò đất nổi

Theo lời kể của sư thầy An Phát – Trụ trì chùa Nổi, khoảng năm 1838, sư ông Đỗ Thiện Nhiên đã đến đây, thấy gò cao và tàng cây đầy bóng mát nên xây một ngôi miễu thô sơ để dừng chân tu hành. Dần dà, người dân mới đóng góp và tu sửa thành ngôi chùa nhỏ hướng ra sông Vàm Cỏ Tây, mang tên là Vân Sơn Tự.

Điều đặc biệt là vào những năm nước lớn như 1966, 1978, kể cả năm 2000 là năm lũ lớn nhất trong mấy trăm năm qua, thì vùng gò này vẫn chưa khi nào bị ngập. Vì lẽ đó mà bao lâu nay, khi lũ lớn kéo về khiến bốn bề mênh mông nước ngập, người dân lại tập trung tại gò đất này, nương tựa vào chùa để sống qua mùa lũ. Chùa Nổi cũng thành danh từ đó với nhiều câu chuyện tâm linh huyền bí.

Khuôn viên chùa Cổ Sơn.
Khuôn viên chùa Cổ Sơn.

Những người lớn tuổi ở địa phương truyền miệng nhau, trước khi sư ông Đỗ Thiện Nhiên đến đây xây miễu, lũ trẻ chăn trâu thường lên gò đất này để chơi đùa, nặn tượng đến quên cả bầy trâu. Cha mẹ chúng nổi giận bèn quăng hết tượng đất xuống sông. Kỳ lạ thay, những tượng đất này không chìm mà nổi trên mặt nước. Người dân thấy vậy cho là nơi linh thiêng nên lập am thờ cúng.

Còn có chuyện kể về người chài cá ngụ tại Tuyên Bình Tây (Vĩnh Hưng, Long An) đến thả lưới ở khúc sông trước chùa. Khi xuống để gỡ lưới thì phát hiện một cái hang rất to, lội vào xem thử thì đụng rất nhiều ly, tách, chén dĩa… Tò mò, ông vào sâu hơn nữa thì cảm giác như có 2 con vật cản lối, đẩy ra ngoài. Ông đành trở lên bờ kể lại câu chuyện này, nhưng đang kể dở chừng thì ông bị câm, không kể được nữa. Người thân phải đưa ông lên chùa khấn, hứa sẽ không nói về việc đấy nữa, ông mới nói lại được…

Truyền thuyết thì nhiều, nhưng lý do vì sao gò đất này không bao giờ chìm trong con nước thì hầu như chưa có nghiên cứu nào đến nơi đến chốn. Theo đồn đoán thì có lẽ gò đất được đỡ bởi một túi bùn bên dưới, nhờ đó mà gò đất nổi theo con nước.

Di sản 3.500 năm

Năm 2004, gò Chùa Nổi được công nhận là Di tích cấp tỉnh. Đến năm 2013, khuôn viên chùa được quy hoạch và đầu tư mở rộng, chùa được trùng tu thành kiến trúc Phật giáo nổi bật hướng ra dòng Vàm Cỏ Tây. Anh Châu Phú Hùng – Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Vĩnh Hưng cho biết, ở đây có 1 cây trôm và 5 cây dầu cổ thụ đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2018.

Những cây trôm, cây dầu bao quanh gò đất này không những là nơi che chắn cho người dân vào những năm nước lớn, mà còn là căn cứ nuôi quân trong suốt thời kỳ chống Mỹ. Bom đạn chiến tranh trút xuống liên tục gây nhiều mất mát, cả ngôi chùa cũng được dân quyên góp xây lại mấy lần, thế nhưng những cây cổ thụ vẫn vươn cao, tỏa bóng, che chắn cho cư dân, bảo vệ cho cách mạng và chứng kiến sự phát triển từng ngày của mảnh đất này.

Tượng Phật bằng đá sa thạch, minh chứng cho đời sống tôn giáo của cư dân thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Tượng Phật bằng đá sa thạch, minh chứng cho đời sống tôn giáo của cư dân thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Qua nhiều lần trùng tu và mở rộng, chùa Cổ Sơn ngày nay vững chãi với mái vòm cong, đôi rồng chầu bên bậc tam cấp, bao quanh là hàng cây cổ thụ tỏa bóng. Giữa chính điện của chùa, ngoài bộ tượng Phật tam thế uy nghiêm, thầy An Phát chỉ cho chúng tôi một pho tượng cổ bằng đá sa thạch cao tầm 40cm, phủ một lớp sơn vàng. Thầy kể có lần thầy không có ở chùa, đệ tử đã lấy sơn phủ lên tượng, nên bây giờ nếu không nói sẽ không ai biết đây là tượng cổ.

Pho tượng này có từ thời văn hóa Óc Eo hơn 3.500 năm trước. Đây là cổ vật được tìm thấy cùng với nhiều di vật đa dạng, chủ yếu là vật dụng sinh hoạt, đồ gốm và công cụ bằng xương trong đợt khai quật gò Chùa Nổi do nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimara Masanari phối hợp cùng Bảo tàng Long An thực hiện năm 1996. Cùng với gò Ô Chùa ở Hưng Điền A (Vĩnh Hưng, Long An), khu vực gò Chùa Nổi là một trong những di chỉ khảo cổ minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của văn hóa Óc Eo.

Hằng năm, chùa Nổi đón hơn 20.000 lượt khách du lịch, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, lễ Vu Lan và cả rằm tháng 10 (ngày Hạ Nguyên). Có người đến để viếng chùa, cầu hạnh phúc, bình yên, sẻ chia những mong cầu, ước vọng. Có người đến vì muốn khám phá vùng đất thú vị này, để thử một lần “nổi giữa vùng ngập nước”. Cùng với gò Ô Chùa và Khu di tích lịch sử đồn Long Khốt, gò Chùa Nổi đang được quy hoạch để trở thành điểm đến trong tuyến du lịch văn hóa – lịch sử đầy thú vị của huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An).

Đến Vĩnh Hưng mùa nước về, chắc chắn khách sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản của Đồng Tháp Mười, đặc biệt là các món cá linh ăn kèm bông điên điển.

Nguồn : Nông Thôn Việt