Vàm Thủ (thuộc xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là nơi giao nhau giữa sông Vàm Cỏ Tây và kinh Thủ Thừa, hầu hết những ghe xuồng từ miền Tây chở hàng hóa lên Sài Gòn buôn bán đều phải qua khu vực này. Nơi đây có món bánh tét truyền thống ngon nức tiếng gần 40 năm nay.

Trước khi gói, người thợ phải lau sạch lá chuối và sắp xếp lá theo từng tệp.
Trước khi gói, người thợ phải lau sạch lá chuối và sắp xếp lá theo từng tệp.

Hằng ngày, có từ 4 đến 5 hộ gia đình trong xóm lần lượt đỏ lửa đốt lò làm bánh. Theo cô Tư Đương (69 tuổi) thì cô là một trong những người làm bánh tét đầu tiên của xóm này. Cô “chọn nghề” cũng khá tình cờ. Trong một lần đi bán cá linh ở miền Tây, cô mua bánh tét ăn, thấy ngon nên tìm hiểu cách làm và… theo nghề. Thấy cô làm và bán được nên nhiều gia đình làm theo, từ đó hình thành xóm bánh tét Vàm Thủ ngày nay.

Bánh tét ban đầu chỉ được gói vào các dịp lễ Tết hoặc giỗ chạp, nhưng dần dần thành nghề chính hoạt động hàng ngày. Muốn làm ra một đòn bánh tét ngon thì phải trải qua nhiều công đoạn, tỉ mỉ và kỳ công. Lá chuối được lấy từ vùng Vĩnh Công (huyện Châu Thành). Lá phải to bản, không rách nát. Trước khi gói, người thợ phải lau sạch phấn bụi, tước lá ra thành từng khổ khác nhau để quấn thân bánh hay gói đầu đòn bánh. Theo bác Hai Tấn, đòn bánh tét Vàm Thủ được gói ít nhất 3 lớp lá vì nếu gói ít hơn bánh sẽ thấm nước, ăn bị bở. Nếp phải chọn từ nếp sáp dẻo tại địa phương, trước khi gói phải vo thật sạch, ngâm nước chừng 30 phút. Đậu đen được nấu trước để trộn chung với nếp.

Bánh tét Vàm Thủ được buộc bằng lạt bàng mua từ vùng Bình Nhựt (huyện Bến Lức), sợi lạt phải dài, thẳng và dai. Bánh tét Vàm Thủ có ba loại nhưn chính: nhưn đậu ngọt, nhưn chuối và nhưn đậu mỡ. Các loại nhưn sẽ được sơ chế trước: chuối được lột vỏ, cắt nửa, nhưn đậu ngọt và nhưn đậu mỡ cũng sẽ được làm trước.

Công việc gói bánh chia ra 2 khâu, một người đổ nếp và nhưn gói sơ đòn bánh, người thứ hai buộc chặt đòn bánh. Trước đây, dùng bếp củi nhưng giờ đã chuyển sang dùng than đá. Thời gian nấu bánh khoảng từ 7 đến 10 tiếng tùy từng loại. Để bánh dẻo và ngon, người nấu bánh phải đợi cho nước nguội hẳn mới lấy bánh ra. Kết thúc công đoạn này cũng 2, 3 giờ sáng.

Trước khi gói, người thợ phải lau sạch lá chuối và sắp xếp lá theo từng tệp.
Bánh tét Vàm Thủ.

Một điều đặc biệt là trong xóm nghề khoảng 4, 5 hộ gia đình thì đa phần đều phải nhờ thêm những người thợ lành nghề. Với số lượng chỉ hơn 10 người thợ trong cả xóm nên các gia đình chủ động giờ giấc gói bánh, tránh trùng thời gian với nhau, từ đó thành nếp nghề.

Hiện tại, xóm bánh tét Vàm Thủ đã được nhiều người biết đến, có nhiều chương trình truyền hình thực tế tìm hiểu cũng như có nhiều đoàn nhiếp ảnh đến tác nghiệp. Bánh tét từ Vàm Thủ chủ yếu được bán tại bến đò Vàm Thủ cho khách vãng lai đi về miệt Tiền Giang, Đồng Tháp hoặc ngược lên Sài Gòn. Ngoài ra, bà con còn bỏ mối tại chợ huyện và các khu chợ xã như Bà Mía, Bà Miều…

Làng bánh tét Vàm Thủ có một vị trí đặc biệt nên có thể được kết hợp trong các tuyến du lịch trong ngày khám phá nét văn hóa đặc trưng của địa phương đối với du khách nước ngoài. Đến đây, du khách có thể rảo bước trên những còn đường xóm quanh co, nhà cửa san sát, tìm hiểu nghề và trải nghiệm cách làm bánh tét độc đáo. Tham quan một số trại mộc trong khu vực, viếng Thánh thất Cao Đài Bình An, sau đó theo đường thủy chạy dọc kinh Thủ Thừa tiếp tục tham quan khu du lịch Happy Land… Nếu xây dựng được làng bánh tét truyền thống – đơn cử như Vàm Thủ kết hợp với loại hình du lịch cộng đồng “cùng trải nghiệm” thì đây có thể là hướng tốt để gìn giữ và nâng tầm bánh tét quê hương Vàm Thủ.

TRANG THÔNG TIN NÀY CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TRUNG ƯƠNG

Nguồn : Nông Thôn Việt